4 Huyền Thoại Võ Thuật Việt Trước 1975 Bạn Phải Biết

Những năm trước 1975 chứng kiến một thời kỳ hào hùng, hưng thịnh của võ thuật Việt. Các lò võ và sàn đấu lớn nhỏ mọc lên như nấm, nhiều cuộc tỉ thí khốc liệt diễn ra và tạo dựng nên những tên tuổi lừng lẫy trong làng võ thời bấy giờ. Hãy cùng chúng tôi điểm qua 4 tượng đài của võ thuật Việt vào những năm trước 1975 qua bài viết này nhé!

1. Đại võ sư Phi Long – Rồng đen võ đài

vo thuat

Đất võ Bình Định từ xa xưa đã nổi tiếng là cái nôi sản sinh ra nhiều nhân vật tiếng tăm trong lịch sử võ thuật Việt Nam, và một trong số đó có thể kể đến Đại Võ Sư Phi Long. Ông tên thật là Trần Quốc Long, sinh năm 1944 ở Đồng Phó, Tây Sơn, Bình Định. 

Tinh thần thượng võ của ông không chỉ bắt nguồn từ mảnh đất nơi ông sinh ra mà còn được kế thừa từ truyền thống gia tộc, khi ông nội, các bác và cha của ông đều là những vị võ sư được tôn kính trong vùng. 

Từ năm lên 6, võ sư Phi Long đã được theo học quyền cước cùng các bác. Nhận ra ông là đứa trẻ có khả năng thiên bẩm trong bộ môn này, cha ông quyết định đưa ông đi khắp chốn để theo học cùng các bậc sư phụ giỏi nhất. Thế nhưng dù thầy giỏi đến mức nào, chỉ sau một thời gian ngắn, Phi Long lại khẩn khoản xin cha tìm cho người giỏi hơn nữa. Chỉ đến khi được học cùng võ sư vang danh một thời, Huỳnh Liễu (tức Hương Kiểm Kính), Phi Long mới tìm cho mình được một người thầy phù hợp. Thời đó thầy Hương Kiểm Kính rất nổi, học trò theo học rất đông, tuy nhiên Phi Long là học trò xuất sắc nhất. Sau 5 năm theo học, Phi Long bắt đầu được thầy cử đi tham gia đánh đài và mang về những chiến thắng đầu đời. Thế nhưng đó chỉ là điểm khởi đầu trong sự nghiệp võ thuật lừng lẫy của Võ Sư Phi Long – Hay còn được biết đến với cái tên Rồng Đen Võ Đài

Vào giai đoạn thập niên 60, cái tên Phi Long nổi lên như một hiện tượng lạ. Ông trở thành nỗi khiếp sợ của các tay đấm trên khắp các sàn đấu Nam Việt Nam với lối đánh thông minh và sức mạnh hơn người. Trên sàn đấu ông được mệnh danh là “độc cô cầu bại” với 87 lần thượng đài, 68 trận thắng knock out, chỉ 1 trận hòa, không có trận thua, vô địch Việt Nam năm 1966, vô địch Đông Dương năm 1968.  Nhiều võ sĩ đàn anh có thể trạng to khỏe như Minh Tinh, Thành Công, Trần Can, Thái Bình… nhưng khi so găng đều không qua được ông.

Quãng thời gian lẫy lừng này đã để lại cho võ sư Phi Long nhiều kỷ niệm vui buồn. Vì phải tham gia thượng đài ở khắp mọi miền tổ quốc, ông vừa có thêm bạn, vừa có thêm thù. Đáng nhớ nhất là có lần ông vào sân Tinh Võ thách đấu với Mã Thành Lèo, trung úy quân cảnh chế độ Sài Gòn, tay đấm người Hoa nổi tiếng vùng Sài Gòn – Chợ Lớn. Cuộc thách đấu bất thành nhưng sau này ông và Mã Thành Lèo trở nên thân thiết, hay trao đổi võ học với nhau. Bên cạnh đó, ông cũng phải đối diện với những mối bất hoà hay đe doạ trả thù từ đối thủ sau khi rời sàn đấu. 

Sau khi chiến thắng đối thủ người Campuchia và giành ngôi hiệu vô địch Dông Dương năm 1968, võ sư Phi Long quyết địng lui về ở ẩn và mở một võ đường nơi quê hương Bình Định Sau năm 1975, ông được mời làm Chủ tịch Hội Võ thuật huyện Tây Sơn, Bình Định. Năm 1980, Sở Thể dục – Thể thao tỉnh Nghĩa Bình (hợp nhất từ hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định trước đây) mời ông về làm huấn luyện viên bộ môn đối kháng cho đội tuyển võ thuật cổ truyền của tỉnh, rồi phụ trách huấn luyện võ thuật ở Bảo tàng Quang Trung. Gần đây nhất ông lại được mời vào Ban Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển võ dân tộc Bình Định, Việt Nam…

2. Võ Sĩ Minh Cảnh – Ông vương Quyền Anh 

vo thuat

Võ Sư Minh Cảnh sinh năm 1922 ở Cai Lậy, Tiền Giang trong một gia đình nông dân nghèo. Từ nhỏ, ông đã phải bôn ba với mẹ từ Bắc vào Nam, rồi sang tận Cao Miên Sinh sống đến năm 15 tuổi. Sau khi được xem một trận Quyền Anh ở Sài Gòn, ông quyết chí theo đuổi con đường  võ thuật và bái sư ông Bảy Muôn, nhà vô địch quyền Anh Đông Dương lừng lẫy thời bấy giờ. 

Không phải tự nhiên mà người ta đặt cho Minh Cảnh cái danh “võ vương” quyền Anh. Trong suốt 50 sự nghiệp của mình, ông đã mang về vô số thành tích từ trong đến ngoài nước và để lại những ấn tượng sâu sắc cho người hâm mộ về lối đánh đặc biệt của mình. Bắt đầu thượng đài từ những năm 1940, Minh Cảnh trở thành hung thủ của mọi sàn đấu Việt với khả năng footwork nhanh nhẹn và cú móc trái thần sầu. Ông liên tục đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác với đối thủ không chỉ đến từ Việt Nam mà còn ở Lào, Pháp, Ấn Độ. Tuy được cho là nỗi khiếp đảm của đối thủ trên sàn đấu, ông lại nhận được sự yêu mến tuyệt đối từ công chúng với lối đánh nhanh nhẹn, chuẩn xác và khả năng ra đòn đầy uy lực. Một trong những thành tựu lớn nhất của ông phải kể đến chiếc đai vô địch đông dương năm 1946. Ông còn chính là người dẫn dắt đại võ sư Phi Long kể trên dành chức vô địch Đông Dương những năm sau đó. 

Những giai thoại thú vị của võ sĩ Minh Cảnh thời đó thì nhiều vô kể. Khi đã cận kề tuổi 50, ông được tổng cục võ thuật sắp xếp đấu với một võ sĩ người Mỹ chênh ông hơn…20 tuổi và 20kg. Vì danh dự của một nhà vô địch và một con người Việt Nam, ông đã chiến đấu tới cùng. Đến năm 1972 khi đã bước vào tuổi 51, ông vẫn còn đủ sức hạ đo ván một võ sĩ người Úc (nặng hơn ông trên chục ký tại TP Vũng Tàu và chính thức trở thành ông “vua” của môn thể thao này).

Hiện nay, ở tuổi 84, lão võ sư Minh Cảnh không thể nhớ hết bại tướng của mình gồm những ai. Tuy nhiên có một điều ông không thể nào quên đó là chuyện tay trắng vì ham vui. Khi còn thượng đài, cuộc sống của ông lúc ấy rất sung túc. Nhưng sau này khi không còn thi đấu, ông nổi máu “ham vui” khi thành lập đoàn môtô bay mang tên Minh Cảnh đi biểu diễn ở khắp nơi và cuối cùng lỗ vốn phải rã gánh và quay về nhà “ăn bám” vợ.

Đọc thêm: 5 Ông Tổ Của Võ Thuật Nổi Tiếng Nhất Thế Giới

3. Võ Sĩ Kid Dempsey (Nguyễn Văn Phát) – Hung Thần Bất Khả Chiến Bại

vo thuat

Võ sĩ Kid Dempsey sinh năm 1914, tên thật là Nguyễn Văn Phát (nhưng vì thần tượng huyền thoại boxing Jack Dempsey nên đã tự đặt cho mình cái tên Kid Dempsey). Ông là một trong những tên tuổi thống trị làng boxing Việt Nam thời bấy giờ với vô số những trận thắng giòn giã gắn liền với danh xưng bất khả chiến bại của mình trên sàn đấu.

Khi chỉ mới 25 tuổi, Kid Dempsey đã giành chức vô địch Đông Dương môn Quyền Anh. Sau đó ông bị thực dân Pháp bắt đi làm lính đánh thuê. Tuy nhiên, không vì thế mà ông từ bỏ đam mê võ thuật của mình. Theo võ sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu võ thuật Hồ Tường (Chưởng môn phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà, cũng là người từng có thời gian thọ giáo cố võ sĩ Kid Dempsey) thì khoảng gần hai thập kỷ suốt từ năm 1939 cho đến trước năm 1959, Kid Dempsey đã thi đấu đến khoảng hơn 200 trận ngay tại nước Pháp ở những thành phố lớn như Paris, Marseilles…Trong đó có 2 lần ông tranh giải vô địch boxing toàn nước Pháp, đoạt tới chức Á quân, lấy 2 huy chương bạc ở hạng ruồi, là hạng cân nhẹ nhất của châu Âu (thời đó là từ 48 kg đến 51 kg). 

Sau khi về đến Sài Gòn năm 1959, ông nhận được rất nhiều lời thách đấu từ các võ sư từ nhiều môn phái khác nhau trên khắp Việt Nam từ. Thế nhưng, khó một ai có thể vượt qua được những cú đấm huyền thoại của Kid Dempsey. Tuy chỉ với ba đòn đấm cơ bản của quyền Anh là đấm thẳng, móc ngang và móc lên, nhưng sinh thời, Kid Dempsey từng khiến nhiều đối thủ phải thất bại trong sự nể phục. 

Cũng theo võ sư Hồ Tường thì dù trải qua sự nghiệp lừng lẫy trên võ đài nhưng những ngày tháng cuối đời của huyền thoại Kid Dempsey lại thực sự là một câu chuyện buồn. Ông qua đời sau khi phải chống chọi dữ dội với nhiều bệnh tật, trong một gia cảnh nghèo khó, và không một người thân bên cạnh. Tuy dành được ánh hào quang trên sàn đấu và trở thành một tượng đài của boxing Việt Nam, những nốt trầm cuộc đời của Kid Dempsey luôn khiến cho người hâm mộ không khỏi đau lòng.

4. Võ sư Từ Thiện – Cây đại thụ của làng võ

vo thuat

Võ sư Từ Thiện tên húy là Hồ Văn Lành sinh năm Giáp Dần (1914) tại ấp Khánh Hòa, làng Tân Phước Khánh, tổng Bình Thiện, huyện Châu Thành, tỉnh Thủ Dầu Một (Bình Dương ngày nay) – Cái nôi của môn võ Tân Khánh Bà Trà. Ông xuất thân trong gia đình có truyền thống về Đông y, đến năm 14 tuổi, ông bắt đầu theo học võ Tân Khánh Bà Trà với người dượng thứ sáu ,tức võ sư Bảy Phiên. Sau khi học và luyện võ một thời gian, ông lấy biệt danh Từ Thiện bởi theo ông đích đến của người học võ là lòng vị tha và tính hướng thiện. 

Năm 20 tuổi, ông bắt đầu đại diện cho phái võ Tân Khánh Bà Trà thi đấu khắp miền Đông, miền Tây Nam Bộ và giành chiến thắng thuyết phục suốt 7 lần thượng đài với hai đòn sở trường là chỏ, gối mạnh và nhanh “như điện 220V” khiến nhiều đối thủ phải tâm phục khẩu phục.

Với thành tích này của mình, năm 1939, ông mở võ đường ở Tân Khánh – Bà Trà thu hút hàng trăm môn đồ các nơi đến xin thọ giáo. Tại đây, ông đã đào tạo nhiều học trò ưu tú đại diện Việt Nam đi thi đấu khắp năm châu. Sau này, ông vinh dự được Tổng nha Thanh niên trực thuộc Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên của Việt Nam Cộng hòa ban tặng bằng khen về thành tích “đào tạo nhiều võ sĩ ưu tú cho làng võ thuật Việt Nam

Thế nhưng những đóng góp lớn lao của đại võ sư Từ Thiện không dừng lai tại đó. Năm 1969, ông góp công lớn trong việc cùng những võ sư uy tín khác ở Sài Gòn khác sáng lập ra Tổng hội Võ sư Nghiên cứu và Phổ biến Võ học Việt Nam (gọi tắt là Tổng hội Võ học Việt Nam). Tại đây, ông không ngừng nghiên cứu phổ biến võ học Việt Nam cho các thế hệ thanh thiếu niên và các tầng lớp khác trong xã hội đương thời nhằm lưu giữ và phát huy truyền thống võ học dân tộc Việt Nam. Ngày 2 tháng 9 năm 2003, ông được nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trao tặng “Huy Chương Vì Sự Nghiệp Thể Dục Thể Thao”.

Tiếp thu cùng một lúc ba nền võ học: Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà, Thiếu Lâm Bạch Hạc và Vịnh Xuân Quyền, Đại lão võ sư Từ Thiện Hồ Văn Lành đã phối hợp tinh hoa kỹ thuật của cả ba môn võ để đựa ra một chương trình huấn luyện võ thuật hiệu quả nhanh chóng cho các thế hệ môn sinh của Võ đường Từ Thiện – Môn phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà (tức Takhado). Cho nên các thế hệ môn sinh đã suy tôn Đại lão võ sư Từ Thiện Hồ Văn Lành là Tổ sư của môn phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà, đồng thời tổ chức Lễ Giỗ Tổ hằng năm của môn phái vào ngày hưởng thọ của Đại lão võ sư Từ Thiện Hồ Văn Lành, đó là ngày 27 tháng 10 âm lịch hằng năm.

Kết

Chúng tôi hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu hơn về một số gương mặt kỳ cựu trong làng võ thuật trước 1975. Nếu bạn đang tìm kiếm một địa chỉ uy tín để mua đồng phục và các dụng cụ học võ, hãy liên hệ ngay võ phục Tân Việt để được phục vụ tốt nhất.

Bài viết có tham khảo thông tin từ: thanhnien.vn, vothuat.vn, soha.vn.

Đồng hành cùng Võ Thuật Việt Nam từ năm 1962, Tân Việt là nhà cung cấp võ phục và dụng cụ võ thuật hàng đầu của các Huấn Luyện Viên lâu năm cùng hàng nghìn cá nhân đam mê và yêu thích võ.

Võ phục Tân Việt

Tân Việt được thành lập năm 1962. Trải qua hơn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, đến nay, Tân Việt luôn tự hào là nhân tố tiên phong trong lĩnh vực thiết kế, sản xuất, cung cấp và phân phối võ phục cũng như dụng cụ thể thao nói chung và dụng cụ võ thuật nói riêng. Hotline 0909.689.200 hoặc hòm thư: sales_online@tanvietco.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *