Nghệ sĩ Nhân dân Lý Huỳnh – cha tài tử Lý Hùng – qua đời tại nhà riêng 5h sáng 22/10 sau nhiều năm bệnh nặng, thọ 78 tuổi.
Những phút cuối đời đoàn viên bên gia đình và chống chọi bệnh tật
Lý Hùng cho biết: “Ba tôi ra đi bình yên, thanh thản bên vòng tay người thân, con cháu”. Diễn viên Lý Hương – con gái út – nói hai ngày trước khi mất, cha chị tỉnh táo. “Những lời cuối, ba bảo muốn sống bên con cháu, mãn nguyện khi thấy gia đình sum vầy, đề huề. Tôi may mắn được kề bên chăm sóc ba lúc cuối đời”, chị cho biết.
“Nhiều năm nay, ông rất yếu” – Lý Hương cho biết thêm. Những năm gần đây, sức khỏe ông giảm sút vì nhiều bệnh như tiểu đường, suy thận, suy tim, hai chân yếu, phải chống gậy đi lại…Nhiều năm qua, Lý Huỳnh sống chung với vợ và con cháu tại quận Tân Bình, TP.HCM. Gia đình ông gắn bó khăng khít.
“Từ khi về Việt Nam, tôi toàn tâm toàn ý chăm sóc ba, đưa ông đi viện rồi chăm sóc ông trong những ngày bị tiểu đường nặng rồi lúc chạy thận. Anh Hùng rất có hiếu nên tôi cũng noi gương anh.
Hai anh em dành thời gian ở bên ba mẹ chứ rất ít khi ra ngoài tìm những cuộc vui. Trong tuần, nhiều ngày tôi cùng tài xế đưa ba đi lòng vòng ra nhà thờ Đức Bà, ra phố đi bộ” – Lý Hương kể.
Lễ viếng bắt đầu từ 15h ngày 22/10 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng (số 5 Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp). 10h ngày 24/10, linh cữu được an táng nghĩa trang Phúc An Viên (quận 9).
Những tác phẩm điện ảnh và giai thoại để đời
Nghệ sĩ Lý Huỳnh, tên thật là Lý Kim Tuyền, sinh năm 1942 ở tỉnh Vĩnh Long. Ông là võ sư, đồng thời là diễn viên và nhà sản xuất phim điện ảnh được xếp vào nhóm “Nam Kỳ tứ tú”, tức bốn ngôi sao sáng của Nam Kỳ. Các bộ phim gắn với tên tuổi ông là Long hổ sát đấu, Quái nữ Việt Quyền Đạo, Báu kiếm rửa hận thù, Hải vụ 709…
Năm 2010, ông dồn tâm huyết thực hiện phim điện ảnh Tây Sơn Hào Kiệt. Bộ phim cổ trang được đầu tư 12 tỷ đồng nói về trận Ngọc Hồi – Đống Đa do Hoàng đế Quang Trung chỉ huy dẹp tan 20 vạn quân Thanh, thể hiện hùng khí dân tộc.
Từ năm 1972 đến năm 1989, ông đóng nhiều phim, trở thành một trong số người Việt đầu tiên đưa võ vào điện ảnh. Vai đầu tiên của ông là đại tá Hoàng trong phim Cô Nhiếp, bộ phim sau đó đoạt giải Bông sen bạc. Sau đó, ông tham gia nhiều phim: Mối tình đầu (1977) của đạo diễn Hải Ninh, Vùng gió xoáy, Ông Hai Cũ (1982), Hòn đất, Mùa gió chướng, Ngọn cỏ gió đùa, Thăng Long đệ nhất kiếm… Vai Hai Lúa trong Vùng gió xoáy mang về cho ông giải Nam diễn viên xuất sắc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ sáu (1983).
Không chỉ để lại ấn tượng sâu sắc với khán giả bằng những tác phẩm điện ảnh kinh điển, ông còn là một võ sư tài năng cùng nhiều giai thoại để đời.
Thuở nhỏ, ngoài việc học võ với cha, Lý Huỳnh còn học võ Thiếu Lâm, võ cổ truyền Tây Sơn Bình Định. Năm 1965, ông mở trường dạy võ, bắt đầu đào tạo nhiều võ sĩ giỏi.
Từ năm 1957 đến 1964, Lý Huỳnh thượng đài sáu trận về quyền anh và thắng ba trận, trong đó có trận đấm ngã đối thủ Lyauté Francoise – một võ sĩ da đen nổi tiếng. Năm 1973, ông còn nổi tiếng khi công khai thách đấu với Lý Tiểu Long trên truyền hình. Sự kiện này được báo chí Việt Nam và Hong Kong thời đó đưa tin, trở thành giai thoại đẹp trong cuộc đời của Lý Huỳnh. Năm 2012, Lý Huỳnh được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
Đọc thêm: 5 Ông Tổ Của Võ Thuật Nổi Tiếng Nhất Thế Giới
Nguồn: vnexpress.net
Đồng hành cùng Võ Thuật Việt Nam từ năm 1962, Tân Việt là nhà cung cấp võ phục và dụng cụ võ thuật hàng đầu của các Huấn Luyện Viên lâu năm cùng hàng nghìn cá nhân đam mê và yêu thích võ.