Taekwondo Việt Nam: 20 Năm Chờ Đợi Một Phép Màu Lặp Lại

Đã hai thập kỷ trôi qua kể từ ngày quốc ca Việt Nam được xướng lên tại lễ trao giải Olympic thế giới nhờ tấm huy chương bạc lịch sử của Trần Hiếu Ngân. Tiếc rằng sau ngần ấy năm, Taekwondo Việt Nam dường như vẫn đang loay hoay tìm lại chỗ đứng của mình trên đấu trường quốc tế. 

Tấm huy chương lịch sử

Đã tròn 20 năm kể từ ngày Trần Hiếu Ngân mở ra một trang sử mới cho Taekwondo Việt Nam với tấm huy chương bạc lịch sử của mình tại kỳ Olympic năm 2000 diễn ra tại Sydney (Australia). Tại kỳ thế vận hội năm đó, Việt Nam có 7 VĐV tham dự ở 4 môn, trong đó taekwondo 2 vận động viên là Trần Hiếu Ngân (dưới 57kg) và Nguyễn Thị Xuân Mai (48 kg). Hy vọng huy chương của taekwondo đặt vào cho Xuân Mai, bởi hạng cân của Hiếu Ngân toàn là các đối thủ mạnh, trong đó có Hàn Quốc.

Không nằm ngoài dự đoán, khởi đầu của cô diễn ra khá chật vật khi mãi đến nửa hiệp 3, cô mới ghi được 1 điểm trước đối thủ từ Trinidad & Tobago. Thế nhưng, đến 30 giây cuối hiệp đấu, cô lại thể hiện một cú lộn ngược dòng ngoạn mục với chiến thắng bằng đòn đá xoay phản công đầy thuyết phục. Thừa thắng xông lên, Hiếu Ngân tiếp tục chứng minh khả năng vượt trội của mình qua chiến thắng trước võ sĩ Strachan Jasmin đến từ Philippines và đương kim vô địch châu Âu – võ  sĩ Lourenc Virginia đến từ Hà Lan. 

Taekwondo- Tran Hieu Ngan

Hiếu Ngân tưởng chừng như đã cầm chắc huy chương vàng trong tay khi đối thủ của cô trong trận chung kết, võ sĩ Jung Jae Eun, của Hàn Quốc, là người đã từng bị cô đánh bại ở giải châu Á 1998. Đáng tiếc thay, Hiếu Ngân đã thua 1-3.

“Người ta bảo rằng lọt vào trận chung kết với huy chương bạc cao quý nên tôi hài lòng và không cố gắng trong trận chung kết. Tuy nhiên, có ai không muốn một lần đoạt huy chương vàng Olympic. Cả trăm huy chương bạc cũng đâu bằng một cái vàng” – Hiếu Ngân chia sẻ.

So với đối thủ, Hiếu Ngân đã từng thắng, đẳng cấp không chênh lệch, thể hình không phải thua kém. Tuy nhiên đến giờ Hiếu Ngân cũng không hiểu vì sao mình lại thất bại đáng tiếc trong trận chung kết ấy. “Tôi còn thiếu một cái gì đó mà đến giờ suy ngẫm lại vẫn chưa có lời giải. Tôi vẫn cảm thấy hối tiếc vì không đoạt được huy chương vàng”, Hiếu Ngân cho hay.

Tuy thất bại đáng tiếc ở trận chung kết, những gì Hiếu Ngân gặt hái được từ mùa Olympic năm đó là niềm hãnh diện lớn lao cho thể thao Việt Nam nói chung, và bộ môn Taekwondo nói riêng. Lần đầu tiên trong lịch sử, đội tuyển Việt Nam được xướng tên ở thế vận hội danh giá này, chính vì vậy, chiếc huy chương bạc năm đó của cô còn quý hơn “vàng”.

 Bản thân Hiếu Ngân cũng không dấu được cảm giác tự hào và sung sướng. Khi đó, Ngân khoác trên mình lá cờ Tổ quốc chạy vòng quanh nhà thi đấu cảm ơn mọi người. Quốc kỳ Việt Nam được kéo lên, dù chưa được nghe tiếng quốc ca song Hiếu Ngân đã bật khóc. “Tôi đã không kìm được những giọt nước mắt lăn dài vì hạnh phúc bởi Việt Nam đã lần đầu tiên ghi danh vào danh sách các nước có huy chương Olympic”.

Sau chiếc huy chương địa chấn này, làng Taekwondo Việt tưởng chừng như sẽ thừa thắng xông lên và săn thêm nhiều thành tích khác từ các đấu trường quốc tế. Thế nhưng đáng buồn thay, đã 20 năm trôi qua, phép màu chưa từng một lần lặp lại với đội tuyển Taekwondo Việt Nam. 

Chật vật tìm lại hào quang

Taekwondo

Một trong những khó khăn lớn nhất của đội tuyển Taekwondo Việt Nam, như thừa nhận của Chủ nhiệm Bộ môn Taekwondo Hà Nội, Hồ Anh Tuấn, đó là trên mặt bằng chung, các võ sĩ của Việt Nam đang ở khoảng cách khá xa so các võ sĩ quốc tế.

Điều này thể hiện qua sự “rơi rụng” của võ sĩ Việt Nam ngay từ vòng loại của các đấu trường quốc tế như Asiad, Giải vô địch châu Á, Giải Vô địch thế giới…Tại Olympic 2016, sau 16 năm tham dự, Taekwondo đã không có nổi một VĐV nào vượt qua vòng loại. Ở kỳ Thế vận hội gần nhất, 2 VĐV Việt Nam là Chu Hoàng Diệu Linh (67kg nữ) và Lê Huỳnh Châu (58kg nam) cũng đều thi đấu không mấy ấn tượng.

Khó khăn lại chồng chất khó khăn khi kinh phí cũng là một trong những rào cản rất lớn với Taekwondo Việt. Theo một lãnh đạo Liên đoàn Taekwondo Việt Nam, những kế hoạch thi đấu hay tập huấn của tuyển Taekwondo, vốn đã rất hạn chế so với các môn khác, lại đang chưa biết có thực hiện được hay không, do vấn đề kinh phí. Đơn cử như trong năm 2019, Taekwondo Việt Nam cần tham dự hơn 10 giải đấu quốc tế, gồm giải ở UAE, Philippines, Anh, Italia, Kazakhstan, Mexico, Bờ Biển Ngà, Nga… Nhưng, không phải giải nào Việt Nam cũng có thể cử VĐV tham dự.

Cũng liên quan đến thiếu kinh phí nên không lạ khi từ chuyện trang bị giáp điện tử thiếu đồng bộ đến khâu tuyển chọn những gương mặt giỏi nhất và chế độ đãi ngộ để VĐV yên tâm theo nghiệp cũng gặp muôn vàn trắc trở. HLV Kim Kil-tae của đội tuyển Taekwondo Việt Nam từng thừa nhận: “Những VĐV trẻ dưới 20 tuổi có tài năng ở Việt Nam hiện tại nếu thi đấu ở Hàn Quốc có thể nhận được khoảng 7.000 USD/tháng (khoảng 160 triệu đồng). Khi thi đấu ở giải Vô địch quốc gia, nếu giành chức vô địch họ có thể nhận được 200.000 USD tiền thưởng (khoảng 4,6 tỷ đồng)”. Theo ông Kim, trình độ, điều kiện tập luyện, thi đấu của Taekwondo Việt Nam so với Hàn Quốc là “mặt trời và mặt biển”.

Đến một VĐV hàng đầu như Châu Tuyết Vân cũng phải nỗ lực hết sức mới nhận được khoản đãi ngộ xấp xỉ 20 triệu đồng/tháng và đương nhiên khó lo chu toàn cho gia đình với tư cách là chị cả. Châu Tuyết Vân đã 29 tuổi, ngày giải nghệ cũng không còn xa.

Có thể bạn sẽ thích: Taekwondo Và 10 Điều Có Thể Bạn Chưa Biết

Giải Pháp 

Một thực tế đáng buồn là dù đang phải đối diện với nguy cơ đi xuống trầm trọng, giữa Bộ môn Taekwondo thuộc Tổng cục Thể dục – Thể thao (TDTT) và Liên đoàn Taekwondo chưa bao giờ có sự phối hợp chặt chẽ về kế hoạch tận dụng nguồn nhân lực cũng như nguồn kinh phí địa phương trong việc cử VĐV tập huấn và thi đấu quốc tế.

Để giải quyết những khó khăn đang kìm hãm sự phát triển của đội tuyển Taekwondo hiện nay, những người đi đầu của bộ môn thể thao này cần sớm xây dựng tiêu chí, cách thức tuyển chọn VĐV vào đội tuyển quốc gia, xác định rõ thời điểm tổ chức tuyển chọn để địa phương xây dựng kế hoạch và có nguồn kinh phí chủ động thực hiện.

Taekwondo

Giữa rất nhiều khó khăn, Taekwondo Việt Nam vẫn mạnh dạn đặt mục tiêu có ít nhất hai VĐV tham dự Olympic 2020 (đã bị dời sang 2021). Một cánh cửa mở ra với môn võ này là việc nội dung quyền đang được Ủy ban Olympic quốc tế cân nhắc đưa vào chương trình thi đấu ở Olympic.

Nếu như các VĐV đối kháng của Việt Nam có trình độ thua kém rất xa so với các đối thủ hàng đầu, thì ở nội dung quyền chúng ta lại sở hữu những gương mặt từng nhiều lần giành Huy chương Vàng Giải vô địch thế giới, tiêu biểu là Châu Tuyết Vân với 5 lần đăng quang liên tiếp.

Dấu hiệu khởi sắc

Tuy phải đương đầu với rất nhiều thách thức, nỗ lực của các VĐV luôn là điều đáng ghi nhận nhất. Đội tuyển Taekwondo Việt Nam đã khép lại kỳ SEA Games 30 thành công với thành tích vượt trội khi giành được 5 Huy chuơng Vàng, 2 Huy chương Bạc và 7 Huy chương Đồng, vượt xa so với chỉ tiêu…

1 Huy chương Vàng đề ra trước ngày lên đường tham dự SEA Games 30. Trong đó đáng chú ý có những tấm Huy chương Vàng của những VĐV lần đầu tiên tham dự một kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á dù phải đối mặt với các võ sĩ nước chủ nhà Philippines và Thái Lan, những quốc gia phát triển mạnh ở môn võ này.

Trước khi các giải đấu lớn buộc phải tạm dừng vì đại dịch COVID-19, Taekwondo Việt Nam đã sáng cửa giành một suất tham dự Olympic Tokyo, đặc biệt còn là ở nội dung đối kháng. Người đem lại niềm cảm hứng và tự hào cho nước nhà là Trương Thị Kim Tuyền ở hạng dưới 49kg nữ. Kim Tuyền là nữ vận động viên Taekwondo được đầu tư trọng điểm để hướng đến mục tiêu giành vé trực tiếp tham dự Olympic.

Teakwondo - Kim Tuyền
Kim Tuyền – Ngôi sao sáng của Taekwondo Việt Nam hiện nay

Cuối năm ngoái, Kim Tuyền xuất sắc vô địch hai giải đấu lớn ở Serbia và Hy Lạp, qua đó tích lũy thêm 20 điểm trên bảng xếp hạng, viết tiếp giấc mơ đưa Taekwondo Việt Nam trở lại đấu trường danh giá ở Tokyo vào mùa hè 2021.

Ngoài nỗ lực tự thân của các VĐV, sự phát triển của Taekwondo Việt Nam trong những năm qua có sự sát cánh, hỗ trợ rất thiết thực của nhiều đối tác, các nhà tài trợ, trong đó có Tập đoàn CJ của Hàn Quốc bên cạnh sự đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Kể từ năm 2012, CJ đã liên tục có sự hỗ trợ cho đội tuyển Taekwondo Việt Nam.

Trong năm 2019, Liên đoàn Taekwondo Việt Nam (VTF) đã công bố chương trình hợp tác trong thời hạn 5 năm với Tổng công ty Truyền hình cáp Việt Nam (VTVCab) với mong muốn sẽ đẩy mạnh hơn công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh và góp sức cho sự phát triển mạnh mẽ hơn của Taekwondo Việt Nam. Theo đó, VTVCab sẽ là đối tác truyền hình chính thức của VTF trong tất cả các giải đấu chính thức, bao gồm cả các giải quốc gia và quốc tế.

Đương nhiên, mọi sự trợ giúp đều ở mức hạn chế nhưng như HLV Kim Kil Tae nói, Taekwondo Việt Nam luôn có một tấm gương để noi theo: “Chúng tôi sẽ cố gắng học theo tấm gương vượt khó, không ngại nghịch cảnh của HLV Park Hang Seo cùng đội tuyển bóng đá Việt Nam để đóng góp nhiều hơn nữa cho Taekwondo Việt Nam. Chúng tôi đang rất nỗ lực để đoạt vé tham dự Olympic Tokyo và khi có vé rồi thì sẽ quyết tâm để làm nên điều gì đó tại đại hội”.

Kết

Chúng tôi hy vọng trong tương lai gần, với sự nỗ lực hết mình từ các VĐV và nhà chức trách, đội tuyển Taekwondo Việt Nam sẽ tạo ra được nhiều kỳ tích mới trên những sân chơi lớn, để tấm huy chương bạc của Hiếu Ngân không chỉ là một lịch sử mà chúng ta đau đáu khi nhớ về. Nếu bạn đang tìm kiếm một địa điểm uy tín để mua đồng phục và các dụng cụ học Taekwondo, hay liên hệ ngay võ phục Tân Việt để được phục vụ tốt nhất.

Bài viết có tham khảo thông tin từ: vnexpress.net, báo Cảnh Sát Toàn Cầu online

Đồng hành cùng Võ Thuật Việt Nam từ năm 1962, Tân Việt là nhà cung cấp võ phục và dụng cụ võ thuật hàng đầu của các Huấn Luyện Viên lâu năm cùng hàng nghìn cá nhân đam mê và yêu thích võ.

Võ phục Tân Việt

Tân Việt được thành lập năm 1962. Trải qua hơn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, đến nay, Tân Việt luôn tự hào là nhân tố tiên phong trong lĩnh vực thiết kế, sản xuất, cung cấp và phân phối võ phục cũng như dụng cụ thể thao nói chung và dụng cụ võ thuật nói riêng. Hotline 0909.689.200 hoặc hòm thư: sales_online@tanvietco.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *