Thiên Môn Đạo thường được biết tới như một môn phái dị biệt trong làng võ thuật Việt bởi người học có thể đi trên nước hay đóng đinh vào người. Thế nhưng đằng sau những màn trình diễn thú vị này là những câu chuyện nhân văn, những cống hiến hết mình của một vị sư phụ mà ít ai nhắc đến.
Lão nhân quá giang – tuyệt kỹ khinh công khiến Thiếu Lâm Tự cũng “chào thua”
Nhắc đến Thiên Môn Đạo, không thể nào bỏ qua ngón khinh công khiến ai nấy cũng phải sững sờ bái phục, Lão Nhân Quá Giang. Lão Nhân Quá Giang là kỹ thuật cho phép người sử dụng chạy trên mặt nước nước với một một lớp cót hoặc chiếu rất mỏng trải ở dưới chân.
Theo sư phụ, sư phụ Nguyễn Khắc Phấn đây là một tuyệt kỹ thượng thừa đặc biệt của Thiên Môn Đạo không thể xuất hiện ở một phái nào khác. Kể cả trên làng võ thế giới, chính Thiên Môn Đạo cũng là môn phái thực hiên chiêu thức này đầu tiên, sau đó phái Thiếu Lâm bên Trung Quốc mới làm theo. Theo nhiều chuyên gia, kĩ thuật của “Lão nhân quá giang” còn khó hơn cả màn chạy trên nước của Thiếu Lâm (gọi là “Thủy thượng phiêu”), bởi võ sĩ Trung Quốc trải lớp ván ép mỏng bên dưới thì Thiên Môn Đạo lại trải chiếu, cót vốn mỏng và mềm hơn.
Sư phụ Nguyễn Khắc Phấn kể, trong lần đầu tiên biểu diễn màn này tại Ứng Hòa (Hà Nội), nhiều khán giả lấy làm tò mò, thú vị nhưng chẳng mấy người tin được sự “vi diệu” của nó. Cũng khá dễ hiểu khi khó có ai tin được vào mắt mình khi nhìn thấy hàng chục võ sĩ trẻ măng lần lượt chạy thành hàng trên mặt nước với quãng đường hàng trăm mét như phim kiếm hiệp đời thực.
Đa số cho rằng đây chỉ đơn thuần là chiêu thức lừa đảo, qua mắt người xem vì môn phái này đã chuẩn bị sẵn cọc đóng dưới sông cho võ sĩ trình diễn đạp lên. Để chứng minh, môn phái đã mời một số người lặn xuống tận đáy sông để kiểm chứng rằng chẳng hề một sự chuẩn bị gì ngoài lớp cót rất mỏng được trải trên mặt nước.
Sau khi đưa công chúng đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác qua màn biểu biễn Lão Quá Giang, các cơ sở nghiên cứu khoa học quốc gia lũ lượt kéo đến tìm hiểu về môn phái này. Từ Viện khoa học nghiên cứu tiềm năng con người, trường Đại học TDTT (Bắc Ninh) và Đài Truyền hình VN đều cử những đoàn về tận nơi để tìm hiểu, nghiên cứu, quay phim.
Sư phụ Phấn kể lại, đã có những thời điểm Đài truyền hình VN cử cả đoàn về tận Ứng Hòa, “ăn dầm nằm dề” cả hơn một tháng trời để lấy tư liệu, thậm chí quay phim cả buổi đêm trước khi thực hiện chương trình “Chuyện lạ VN” được thực hiện ở hồ Thiền Quang.
Sau đó, Bộ Ngoại giao cũng từng đưa một số người bên Nhật về học trực tiếp. Kết quả sau vài tháng, họ có thể chạy được 10 mét trong sự ngỡ ngàng.
Theo chưởng môn Nguyễn Khắc Phấn, màn chạy trên mặt nước xa nhất của Thiên Môn Đạo là 180 mét (kỷ lục của Thiếu Lâm gần 120 mét) và có thể chạy thành một đoàn trên mặt nước thay vì từng người một.
“Nội nhục công phu” – Tuyệt kỹ gây hú vía, thót tim
Một chiêu thức đặc biệt khác của Thiên Môn Đạo khiến không ít người xem thót tim lo sợ chính là “Nội nhục công phu”. Với một người bình thường, chỉ cần xem màn này cũng đủ để “ớn lạnh tới tận xương sống” nhưng với những môn đệ ruột của Thiên Môn Đạo, nó lại được thụwc hiện “nhẹ tự lông hồng”. Lần đầu tiên khi sư phụ Phấn cùng một đệ tử biểu diễn màn này trước công chúng, nhiều người đã không dám xem vì quá … sợ hãi.
Sư phụ Nguyễn Khắc Phấn cho biết, tuyệt kỹ này gồm 2 loại. Loại thứ nhất dùng đinh đóng xuyên qua nhiều vị trí của cơ thể gọi là “Xuyên kim nội nhục”; loại thứ 2 dùng đinh đóng vào một số huyệt đạo rồi kéo xe nặng vài tấn gọi là “Thần lực công phu”.
Một màn biểu diễn “Nội Nhục Công Phu” theo kiểu thứ 2 thường sẽ diễn ra như sau:
- Một môn sinh trẻ bắt đầu bằng việc vận khí, cởi trần, ngồi thiền. Tiếp đó, sư phụ rút ra một bó kim bằng inox với nhiều kích thước khác nhau, trung bình dài khoảng 1 gang tay. Sư phụ lấy một chiếc kim cỡ vừa, dùng cồn đốt để khử trùng rồi dí xát vào một huyệt đạo ngay bên dưới vai học trò. Các khán vây quanh chen nhau, mắt nhắm mắt mở, hồi hộp, nín thở…Đồ đệ vẫn ngồi trơ như đá.
- Tiếp theo sẽ đến màn đóng đinh khi sư phụ cầm chiếc búa nói lớn: “Bắt đầu” rồi một nhát, hai nhát, ba nhát, cây đinh xuyên qua lớp da thịt bên dưới vai của cậu học trò. Các khán giả ai nấy mặt tái mét. Khi sư phụ nói “Xong rồi”, có người mới dám mở mắt ra…
- Vị đệ tử tiếp tục vận khí một hồi rồi. Sư phụ cho người buộc một sợi dây thừng vào cây kim còn cắm trên lưng rồi nối vào một chiếc xe tải nặng 5 tấn. Đệ tử vẫn lặng thinh như núi. Một lúc sau, anh chàng từ từ đứng dậy rồi bắt đầu màn kéo xe. Lần này các khán giả không còn hú hồn, im bặt nữa mà bắt đầu cổ vũ cuồng nhiệt.
- Sau khi kéo được vài chục mét, sư phụ cho đệ tử dừng lại. Rồi lại thực hiện màn rút đinh trên lưng khiến người xem một lần nữa ớn lạnh. Thật sửng sốt, khi những chiếc đinh được rút ra, đã không có một giọt máu nào mà chỉ có 1 vết thâm nhỏ hằn trên lưng. Vị đệ tử thì mặt vẫn tỉnh bơ như chưa có chuyện gì xảy ra.
Sư phụ tiết lộ, ngoài đóng đinh vào các huyệt đạo ở lưng, các đệ tử còn có thể dễ dàng đóng đinh vào các vị trí khác trên cơ thể như ngực, thậm chí ở cổ rồi thực hiện các màn kéo xe. Còn những màn úp bát vào bụng, dùng răng cắn rồi kéo xe, dùng yết hầu uốn cong thanh sắt, kê đá lên đầu rồi đập vỡ… thì một đứa trẻ tầm chục tuổi, vẫn còn “tranh nhau ăn” cũng có thể làm được dễ dàng.
Theo tiết lộ của Chưởng môn Nguyễn Khắc Phấn, Thiên Môn Đạo cũng chính là môn phái đầu tiên của võ thuật Việt Nam thực hiện màn “Bế mí thu công”, dùng mí mắt nâng xô nước hoặc uốn cong thanh sắt…
Vị chưởng môn tiết lộ, để thực hiện những màn biểu diễn này, các võ sĩ phải trải qua quá trình luyện khí công, làm nền tảng cho nội công và tùy thể trạng của từng người lại được học những bài riêng thay vì tất cả đều tập luyện giống nhau. Một điều kỳ diệu đến nay khoa học cũng chưa giải thích nổi đó là các đệ tử của ông có thể tự điều chỉnh, làm chủ kinh mạch thậm chí có thể làm mạch ngừng đập theo ý muốn.
Sau những màn biểu diễn gây hú vía này, đài truyền hình cũng từng về thực hiện chương trình “Chuyện lạ Việt Nam” với kỷ lục đóng đinh kéo xe, từng gây thót tim cho hàng triệu khán giả cả nước.
Đọc thêm: Đấu Vật – Nét Đẹp Võ Thuật Cổ Truyền Ít Ai Biết Đến
Những câu chuyện nhân văn đằng sau môn phái lạ đời
Để rèn luyện và thực hiện những tuyệt kỹ hiểm hóc và đầy nguy hiểm như trên, tôi đã nghĩ rằng các môn sinh ắt hẳn phải có một niềm tin rất lớn vào kinh nghiệm và lời dạy dỗ của vị sư phụ. Sau khi tìm hiểu những câu chuyện về các môn sinh của Thiên Môn Đạo, tôi càng hiểu ra vì sao vị sư phụ Nguyễn Khắc Phấn, dành được nhiều sự kính trọng và tin tưởng từ các học trò.
Anh Lê Văn Thắng (sinh năm 1991, quê Mỹ Đức), một trong 2 sư trưởng của bộ môn này cho hay: “Sư phụ là người chúng tôi kính trọng và nể phục nhất. Sư phụ đã dùng tâm của mình để cảm hóa được nhiều học sinh phá phách, cá biệt, trong đó có tôi”.
Thời phổ thông, cậu bé Thắng nhỏ bé gây gổ khắp làng trên xóm dưới, bạn bè sợ hơn gặp cọp. Năm lớp 8, một lần quyết chiến với các tay anh chị, cậu bị đâm thủng ruột, suýt chết. Năm lớp 9, Văn Thắng đi ăn trộm hoa quả trong làng bị chủ nhà bắt được. Bị bố mắng “Thằng nghịch tử”, cậu bỏ nhà đi. Giữa đường thấy người lớn chơi xóc đĩa, cậu cắm ngay chiếc xe đạp rồi sà vào chiếu bạc, bị tạm giam 24 tiếng.
Nghe người mách, bố Thắng xin cho cậu theo học Thiên Môn Đạo nhưng được vài tháng cậu bỏ. Năm lớp 12, Thắng trượt tốt nghiệp, ở nhà lông bông thì được ông Phấn gọi lên bảo sẽ nuôi ăn học và tập luyện ở đội võ cổ truyền Hà Nội. Những ngày đầu, Thắng chuyên gây sự với các môn sinh, đi không chào, về không hỏi, ăn uống nhồm nhoàm khiến ai cũng khó chịu. Cậu toàn trốn đi chơi, tối mịt mới về. Một ngày, cậu được ông Phấn gọi vào.
“Sư phụ đá bay tôi vào tường rồi hỏi: Đau không? Khi tôi còn nhăn nhó, sư phụ ra dựng người tôi lên, nhìn vào mắt nói: ‘Đau thể xác làm sao đau bằng tinh thần được. Bố mẹ anh đang phải chịu nỗi đau vì có thằng con bất trị thế đấy”, Thắng kể lại.
“Sống là một nam nhi thì phải sống cho ra sống. Bố mẹ đã cho mình cơ thể lành lặn, một cái đầu nhanh nhẹn thì đừng làm bố mẹ khổ. Cuộc đời anh giờ đây không phải như đứa trẻ, ngúng nguẩy quay mặt đi vẫn có người dỗ dành chăm lo. Quay đi nhiều khi không còn đường trở về nữa”, ông Phấn nói. Nghe những lời từ tâm can sư phụ, nước mắt Thắng tự dưng ứa ra.
Từ hôm đó, ông Phấn đưa lịch sinh hoạt hàng ngày cho Văn Thắng ghi rõ giờ nào làm việc gì. Ông cũng chỉ dạy từ những việc đơn giản nhất như ăn uống, chào hỏi lễ phép.
“Thậm chí những việc tôi chưa từng làm như nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa sư phụ cũng chỉ dẫn. Những ngày đầu tôi làm đối phó, nhưng rồi nhận được lời khen của mọi người, tôi bỗng thấy vui vì chưa bao giờ được khen như vậy”, Văn Thắng kể lại.
Nhiều dân anh chị gặp cậu ngoài đường đòi tỷ thí nhưng cậu đều bị từ chối vì thấm lời sư phụ dặn “Làm gì cũng phải đúng pháp luật và truyền thống”.
Văn Thắng thi lại cấp 3 và theo học Đại học Thể dục thể thao. Hơn 4 năm, năm nào cậu cũng giành được học bổng cho sinh viên xuất sắc. Tại các giải thi đấu võ cổ truyền toàn quốc và quốc tế, Thắng giành 2 huy chương vàng. Hiện cậu đã ra trường và mở các lớp võ của riêng mình.
Nguyễn Nam Thắng (sinh năm 1990), một sư trưởng khác của Thiên Môn Đạo cũng từng có quá khứ “lừng lẫy” không kém. Từ bé, anh đã mang cho mình cái tiếng “đầu gấu xóm” bởi quá nghịch, đánh bạn như cơm bữa. Từ suýt đốt cháy nhà hàng xóm đến cầm dây điện quật bạn chảy máu khắp người, cái gì anh cũng thử qua rồi. Bố anh còn than trời rằng: “Thằng này không thể dạy nổi”.
Thế mà từ ngày bố anh xin cho anh theo ông Phấn học Thiên Môn Đạo, đời anh như chuyển sang một trang mới. Ban đầu lúc mới học, cậu bé ngỗ nghịch này cũng chán nản vì bị đưa vào vòng giáo huấn. Một lần, Thắng rủ bạn đi uống rượu rồi đánh nhau với người lạ. Biết chuyện, ông Phấn bắt cậu quỳ gối dưới sàn nhà để suy nghĩ. Suốt 4 tiếng, với bản tính ngang tàng, Thắng chỉ quỳ mà không cất lời. Đến khi không chịu nổi nữa, cậu mới quỳ đến chỗ sư phụ xin tạ lỗi. Lúc này, ông Phấn mới đứng lên và nói: “Giải quyết mọi việc bằng nắm đấm thì chỉ là võ biền mà thôi”. Nói xong ông quay đi, mắt đỏ hoe.
“Bố mẹ đánh, tôi chưa bao giờ khóc. Nhưng không hiểu sao khi nhìn thấy một người danh tiếng như sư phụ phiền lòng về mình, nước mắt tôi cứ thế trào ra. Thời điểm đó tôi bỗng hiểu sư phụ đang làm hết sức để tôi thay đổi”, Nam Thắng cho hay.
Từ hôm đó, cũng như Văn Thắng, Nam Thắng được ông hướng dẫn từ cách ăn uống, đi đứng và cư xử. Dần dà, cậu trở nên nền tính hơn, bớt ngông nghênh và chú tâm vào học tập ở đội võ cổ truyền. “Với sự giúp đỡ của sư phụ, tôi đã tốt nghiệp Đại học thể dục thể thao và hiện làm giáo viên võ thuật và thể chất tại một trường cấp 3 ở Hà Nội”, chàng trai trẻ cho biết
Ông Nguyễn Khắc Phấn hướng dẫn các môn sinh tại đền Bách Linh, Ứng Hòa, Hà Nội. Hiện Thiên Môn Đạo có hơn 10.000 môn sinh trên khắp cả nước. Theo ông: “Tuổi trẻ nhiều người sẽ mắc sai lầm. Nhưng biết quay đầu lại để thay đổi thì chẳng bao giờ muộn”
Ông cũng cho biết, ở hầu hết các võ đường, câu lạc bộ của Thiên Môn Đạo, những môn sinh như Văn Thắng và Nam Thắng khá nhiều. “Hầu hết những môn sinh này đều được tôi hướng dẫn đạo học và võ thuật. Sau này họ đều có bước chuyển trong nhận thức và có thành tựu nhất định trong cuộc đời”, ông Phấn chia sẻ. Ông Phấn kể rằng ngày xưa ông cũng có quá khứ ngang tàn, chính vì vậy ông hiểu được tâm lý nổi loạn của tuổi trẻ và luôn mong muốn được dốc sức mình đưa cuộc đời họ đi về đúng quỹ đạo đáng có.
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, các võ sư của Thiên môn đạo đã nhiều năm đại diện cho Võ học Việt Nam tham gia Đại hội võ thuật thế giới. Năm 2018, Thiên Môn Đạo được Hội kỷ lục Việt Nam tặng bằng tôn vinh và huy hiệu vinh danh “Môn võ Thiên môn đạo làm rạng danh nền võ học Việt Nam”.
Kết
Như ông Phấn chia sẻ, chữ Thiên Môn trong tên của môn phái có nghĩa là đường đến cổng trời”. Chính vì vậy mục đích cao cả nhất của Thiên Môn Đạo không phải là trình diễn hay đánh đấm mà là làm nhiều việc thiện, sống một cách có ích, lành mạnh để khi chết được lên thiên đàng. Chúng tôi hy vọng trong tương lai, sẽ ngày càng có nhiều những võ sư tâm huyết cống hiến cho nền võ thuật Việt như ông Phấn. Võ phục Tân Việt luôn vinh dự được đồng hành cùng các môn sinh đưa võ thuật cổ truyền Việt Nam phát triển lớn mạnh hơn nữa.
“Tuổi trẻ nhiều người sẽ mắc sai lầm. Nhưng biết quay đầu lại để thay đổi thì chẳng bao giờ muộn”
Bài viết có tham khảo thông tin từ: Soha.vn, Vnexpress.net, .vinanet
Đồng hành cùng Võ Thuật Việt Nam từ năm 1962, Tân Việt là nhà cung cấp võ phục và dụng cụ võ thuật hàng đầu của các Huấn Luyện Viên lâu năm cùng hàng nghìn cá nhân đam mê và yêu thích võ.